Bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, uy tín hàng thủy sản Việt Nam trong xuất khẩu, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người sản xuất (người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản), các doanh nghiệp kinh doanh và gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là vấn đề được đông đảo cử tri trong tỉnh hết sức quan tâm, bức xúc, trong thời gian qua có nhiều kiến nghị các cấp, các ngành Trung ương và địa phương quan tâm, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh để từng bước đẩy lùi hành vi bơm chất tạp chất vào tôm nguyên liệu, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trước thực tế này, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương cũng có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu. Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo đối với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh tình trạng kinh doanh, mua bán, vận chuyển tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, nhưng tình trạng này vẫn tái đi tái lại, bởi việc làm này đem lại lợi nhuận cao nên một số đối tượng, cơ sở thu mua bất chấp việc vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Đáng chú ý có một số doanh nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản mua tôm có chứa tạp chất để chế biến rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tình trạng trên diễn ra phổ biến và có chiều hướng tăng, hành vi, thủ đoạn ngày cành tinh vi hơn. Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2012 lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 38 vụ, thu giữ 11.988 kg tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng, so cùng kỳ năm 2011 tăng 11 vụ. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện, xử lý 64 vụ, với số lượng 15.697 kg, xử phạt hành chính trên 200 triệu đồng.

Song song đó, các ngành chức năng đã phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra, nhằm ngăn chặn các hành vi bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và cá nhân chấp hành nghiêm các quy định. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, các đối tượng thường lựa chọn những địa điểm vắng, ít có sự chú ý của nhân dân và cơ quan chức năng, phân tán lượng tôm nguyên liệu nhỏ lẻ, bố trí canh gác để kịp thời tẩu tán tang vật khi lực lượng chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, một số cơ sở thu mua chấp nhận vi phạm (nộp phạt) vì chế của pháp luật chưa đủ sức răn đe và nhất là chưa có sự phối hợp nghiêm túc của doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy trong việc chống bơm tạp chất vào tôm.
Để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, trước mắt các ngành chức năng tập trung thực hiện một số biện pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và nhân dân về tác hại từ tôm bơm tạp chất, qua đó tích cực tố giác hành vi này; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất của các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản và người dân. Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương cần có quy định biện pháp chế tài xử lý nghiêm khắc hơn để đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi vi phạm.

Song, cần phải xác định rằng, việc chống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu trách nhiệm không phải chỉ riêng các ngành, các cấp mà còn là việc chung của toàn xã hội, nhất là rất cần sự góp sức của nhân dân. Khi nhân dân có phát hiện những cơ sở thu mua, chế biến thủy sản hay ở nơi nào đó xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, thời gian tới hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu sẽ dần được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần bảo vệ quyền lợi người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh ổn định và tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng thủy sản trên thị trường quốc tế.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan